Hiện nay, tàu vào Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) đều phải giảm 50% sức chở vì luồng hàng hải chưa đạt tiêu chuẩn -15,5m. Các DN cảng mong muốn luồng dẫn vào cụm cảng CM-TV sớm được nâng chuẩn tắc, bảo đảm tàu trọng tải lớn lưu thông.
|
Tàu vào hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải phải giảm tải 50% sức chở. Trong ảnh: Tàu Yang Ming cập cảng TCIT. |
MẤT HÀNG CHỤC NGÀN CONTAINER VÌ LUỒNG CẠN
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt trên luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải khi chuyến tàu MSC VANDYA trọng tải 154.185 tấn đi bờ Tây Mỹ đang đi theo luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải để vào Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) dỡ hàng. Tuy nhiên, tàu CMA CGM CHENNAI phải nằm ngoài khơi 2 tiếng đồng hồ chờ thủy triều lên mới cho tàu cập bến. Cùng lúc đó, tại cầu cảng CMIT chuyến tàu CMA CGM CHENNAI trọng tải 117.500 tấn đi bờ Tây Mỹ cũng phải neo chờ tại cảng CMIT thêm gần 2,5 tiếng đồng hồ đợi “con nước” dâng cao mới rời cảng tiếp tục hành trình. Ông Bruno Gutton, đại diện hãng tàu CMA CGM cho biết: Dù cảng CMIT đã nỗ lực cung cấp dịch vụ tốt, năng suất cao để giải phóng tàu sớm, nhưng tàu lại không thể rời ngay vì điều kiện luồng lạch. Đây rõ ràng là một điểm bất lợi so với các cảng nước sâu khác trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT, từ nay đến cuối năm 2020, có thể có thêm tuyến tàu nội Á và những tuyến tàu châu Âu với kích cỡ lớn nhất thế giới sẽ ghé CM-TV. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay các cảng khó đón được các tàu lớn bởi theo tiêu chuẩn luồng phải luôn được duy trì độ sâu -15,5m, nhưng tại thời điểm này độ sâu của luồng mới đạt -14m
Đại tá Trần Hoài Nam, Tổng Giám đốc Cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCCT) cho biết: Với độ sâu luồng như hiện nay, hành trình của tàu liên tục bị ảnh hưởng sẽ khiến các hãng tàu rời bỏ CM-TV chuyển về các cảng khác trong khu vực, hàng hóa lại phải trung chuyển đến các cảng ở Singapore, Malaysia để kết nối với tàu mẹ. Ngoài ra, hệ lụy kéo theo từ việc luồng hàng hải chưa đạt theo tiêu chuẩn là các tàu trọng tải lớn ra vào làm hàng di chuyển khó khăn, nhiều tàu phải giảm trọng tải để cập cảng vì luồng CM-TV quá hẹp, dẫn đến lượng container của các tàu lớn khi ghé các cảng tại CM-TV chỉ đạt khoảng 45-50% sức chở của tàu.
Theo tính toán của các hãng tàu, nếu mức nước giảm -10cm thì bình quân tàu sẽ phải giảm từ 5.000-6.000 tấn/chuyến tàu. Với luồng hàng hải hiện nay giảm -15cm với chuẩn tắc thiết kế dẫn đến các hãng tàu phải cắt giảm xấp xỉ 9.000 tấn/chuyến tàu, tương đương 360 container/chuyến. Với 33 chuyến tàu/tuần tàu mẹ và tàu nội địa châu Á cập cảng CM-TV như hiện nay, tính mỗi tháng CM-TV mất hàng chục ngàn container hàng hóa.
KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ
Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế, hiện các hãng tàu lớn như CMA CGM, MOL, Evergreen, OOCL đang đóng mới các tàu trên 20.000 TEUs và dự báo các tàu 24.000 TEUs sẽ sớm xuất hiện. Tàu càng lớn thì cần siêu cảng với mớn nước sâu. Nhưng hiện so với các cảng trong khu vực thì CM-TV đang khởi động khá chậm. Bởi hiện ở Hàn Quốc, luồng vào cảng Incheon đã đạt độ sâu -16m; khu bến Kwai Tsing ở Hong Kong đạt -17,5m.
Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc khai thác hãng tàu Maersk cho biết, thời gian qua, CM-TV đón nhiều tàu có sức chở lớn nhưng hầu hết những tàu này chưa chở đầy tải. Do đó, để đón những con tàu từ 14.000- 18.000 TEUs đầy tải thì luồng tiếp tục phải được nạo vét xuống và duy trì độ sâu -15,5m. Còn về lâu dài để đón tàu từ 20.000 TEUs thì luồng phải đạt độ sâu chuẩn tắc -16,5m. “Hiện nay, những tàu trọng tải lớn chạy ở ngoài vùng lãnh hải rất nhiều nhưng cảng không đủ sâu, không có hạ tầng và thiết bị đủ lớn thì tàu không cập CM-TV mà buộc phải chuyển tải ở các cảng nước sâu lân cận như Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản như vậy làm cho tăng chi phí logistics, CM-TV mất cơ hội phục vụ”, ông Trần Hoàng Vũ nói.
Trước những vướng mắc trên, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, việc nạo vét luồng vào cụm cảng CM-TV không thể chậm trễ nếu không thiệt hại về kinh tế rất lớn. Hiện nay, Bộ GT-VT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn (trong nguồn dự phòng trung hạn) để nạo vét đến -15,5m từ phao “0” đến bến cảng CMIT với kinh phí dự kiến khoảng 1.161 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (sau 2025), cải tạo đoạn luồng từ cảng CMIT đến cảng SP-PSA đạt chiều rộng 310m, độ sâu -14,7m và từ cảng SP-PSA đến cảng SITV đạt chiều rỗng 260m, độ sâu -14,5m. Với độ sâu luồng như trên sẽ bảo đảm cho các tàu container 160.000 DWT, sức chở 14.000 TEUs khai thác hai chiều, vị trí đổ vật chất sau nạo vét là tại khu A ngoài khơi Vũng Tàu.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN