Xét về vai trò trong phát triển kinh tế, sông Thị Vải là con sông có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của BR-VT hiện nay. Từ mạch nguồn Thị Vải, gần 10 năm qua, ngành kinh tế cảng biển đã định hình, dần trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương.
Các tàu hàng container đang bốc xếp hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng TCIT trên luồng sông Thị Vải.
|
Sông Thị Vải có chiều rộng trung bình 600 - 800m, sâu từ 10 - 20m, có khả năng xây dựng một hệ thống cảng công suất từ 18 - 21 triệu tấn hàng hóa/năm, các tàu trọng tải lớn hơn 100 ngàn tấn ra vào cảng dễ dàng. Khai thác lợi thế thiên nhiên ban tặng cho dòng sông Thị Vải như vậy, ngày 12/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2030.
Trong chuyến khảo sát thực địa trên luồng Thị Vải bằng ca nô năm 2011, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phải thốt lên: “Quá tuyệt vời, hệ thống luồng Thị Vải và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có những ưu thế vượt trội so với các địa phương khác”. Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Tương, chuyên gia về cảng biển, hàng hải nhận định: “Với vị trí nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế, kết nối châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Vì vậy, khai thác lợi thế của sông Thị Vải để đầu tư xây dựng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế là hoàn toàn đúng đắn”.
Nhận thấy rõ những ưu điểm vượt trội nêu trên, các tập đoàn hàng hải, hãng tàu lớn của thế giới và nhà đầu tư trong nước lần lượt đầu tư các cảng dọc tuyến luồng Thị Vải. Trong đó, các cảng SP-PSA, SITV, TCCT, TCIT, CMIT, SSIT, TCTT có tổng công suất gần 7 triệu TEU/năm. Hiện nay, khu vực luồng Thị Vải có 35 dự án cảng và đã có 17 dự án cảng đưa vào khai thác hiệu quả. Không dừng lại ở đó, bên bờ sông Thị Vải là các cảng chuyên dụng của DN tại các KCN lớn như: Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A 2; Phú Mỹ 1, 2 và 3; Cái Mép. Đặc biệt, Trung tâm công nghiệp khí - điện - đạm lớn nhất nước cũng đã được đầu tư xây dựng tại KCN Phú Mỹ để khai thác lợi thế vận chuyển đường thủy của sông Thị Vải, tiết kiệm chi phí vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm so với sử dụng đường bộ.
Khi các nhà chiến lược nhắm đến vùng đất ven sông Thị Vải để phát triển kinh tế cảng biển và các KCN, họ đã nhìn thấy những điều kiện đặc biệt thuận lợi về vị trí địa lý tạo nên tiềm lực của dòng sông. Cụ thể, đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải phát triển tăng dần sản lượng bốc xếp hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2018, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cụm cảng đạt 30,3 triệu tấn, tăng hơn 19% so với năm
2017. Dự kiến năm 2019, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cụm cảng tăng trưởng từ 25-30% so với năm 2018. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đóng góp cho ngân sách hơn 90 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT (nằm trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải) cho biết: “Mỗi ngày, tại CM-TV có 2 tàu mẹ đi thẳng đến hai bờ nước Mỹ, 1 chuyến tàu lớn đi thẳng các nước châu Á, trung bình 3 ngày có 1 chuyến tàu đi thẳng châu Âu. Với tần suất này, CM-TV đang là một trong những cảng cạnh tranh nhất khu vực ASEAN cùng với Singapore và Malaysia”.
Hiện nay, trên dòng sông Thị Vải, mỗi ngày đều nhộn nhịp những chuyến tàu chở hàng container lưu thông theo luồng ra vào các cảng. Nếu như, năm 2013 chỉ có 8 chuyến tàu/tuần của tuyến vận tải biển quốc tế cập cảng khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải, thì nay đã thiết lập được 28 chuyến tàu/tuần. Hiện tại, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp vào top 30 cảng container hàng đầu thế giới.
Bài, ảnh: SA HUỲNH
Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201910/song-thi-vai-cua-ngo-giao-thuong-quoc-te-ky-2-mach-nguon-phat-trien-moi-cua-que-huong-877491/